HỌC SINH NÊN TỰ HƯỚNG NGHIỆP, NGHE CÓ PHI LÝ KHÔNG?
Sẽ không hề phi lý nếu ta hiểu "tự hướng nghiệp" là phát huy vai trò chủ động, vai trò trung tâm trên hành trình hướng nghiệp của bản thân mình. Để làm được điều đó, chẳng có cách nào dễ dàng đâu! Các bạn phải đặt ra những câu hỏi cho mình, giải đáp nó bằng hành động và tất nhiên là dám đưa ra quan điểm riêng cũng như dám chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình!
Vậy "tự hướng nghiệp" cụ thể là nên là gì?
1. Nên xác định phiên bản F0 của bản thân trong hiện tại
Xác định dữ liệu chân thực, tin cậy về sở thích, cá tính, khả năng, năng lực học tập, điều mình coi trọng (cái này chuyên gia Hồ Phụng Hoàng gọi là 5 rễ cây nghề nghiệp). Làm thế nào để xác định được ư, cách mau lẹ nhất là tự hỏi và tự trả lời đi thôi. Còn những cách thức khác ư? Bạn có thể tìm một bạn học sinh trong SEAN để chia sẻ với mình. Những cách thức ấy không thể nói ngắn gọn đôi dòng trong bài viết này là có thể hiểu và thực hành được. Ra được F0 rồi, các bạn mới có thể có những chỉ dẫn tin cậy để biết tiếp theo mình nên làm gì.
P/s: bước này mà đồng chí nào coi thường và nói "Ôi giời, cần gì!" thì "chúng ta không thuộc về nhau" xét trong quan điểm tự hướng nghiệp nha!
2. Tìm cơ hội trải nghiệm ngành nghề mình quan tâm
Bước này không dễ đâu, nhưng gõ cửa kiểu gì cũng có. Tui đã thử rùi và rất hài lòng. Có thể bạn sẽ tìm được mentor và job trực tiếp nhưng nếu đó là một cơ hội online thì cũng hoàn toàn đáng quý nhé. Vì giá trị của cơ hội ấy không quyết định bởi nguồn trao mà bởi chính thái độ và hành động trải nghiệm của bạn. Nói hơi phũ thì là "Có làm thì mới có ăn!" đó mà, "Có bỏ công mới có hiệu quả". Nhưng ở khâu này, không được phép úi sùi hay gặp đâu vơ đấy nhé. Cần test cơ hội đó có phù hợp với mình không. Ví dụ, mentor có ổn không, nếu đến với họ mình sẽ học hỏi được những gì, mình có đem lại được điều gì cho họ trong sức mình không. Mentor là rất quan trọng để bạn quyết xem có dấn thân vào một cơ hội nào đó không. Không chỉ vấn đề chuyên môn ngành nghề đâu, lối sống và tư duy của họ rất quan trọng đó. Bạn đang là một trang giấy trắng thì đừng để ai cũng có thể vẽ vời đủ thứ lên đó. Hãy lựa chọn! Tìm hiểu về cơ sở mình đến học hỏi thay vì ở buổi gặp đầu tiên vẫn là một con gà chờ người ta rải thóc đưa đi.
3. Thực chiến với ngành nghề mình muốn tìm hiểu
Đọc tài liệu hay các báo cáo về ngành nghề đó trước đi bạn ạ! Có ích đấy. Khuyến cáo là trước khi gặp bất kì ông thầy nào thì gặp thầy Goolge và thầy Youtube trước nhé! Một vì bạn chẳng có gì phải giấu giếm với họ, hai là vì họ cho bạn những tổng quan ban đầu cực tốt. Và nếu bạn đủ đô với hướng ngành nghề đó ngay từ đầu, tài liệu chuyên ngành là lựa chọn không tồi.
Thiết lập mục tiêu trải nghiệm (SMART GOAL), xác định sản phẩm/điều cụ thể mình muốn trải nghiệm (thường những cái này sẽ xác định tốt hơn và chính xác hơn sau khi bạn có buổi gặp đầu tiên thống nhất về cách thức và nhiệm vụ trải nghiệm với mentor). Và rồi là thực chiến!
Làm đi! Just do it! Làm đến đâu hỏi đến đó (kĩ năng hỏi là kĩ sống đáng để coi trọng đấy). Làm đến đâu sáng tạo hết mức có thể. Người ta có thể đưa quy trình cho bạn hoặc không, nhưng bạn thì phải ra được quy trình của bản thân để đảm bảo nó dẫn tới kết quả.
Vụ thái độ rất quan trọng này, nói không với drama, nói không với sĩ diện, nói không với cách làm việc rời rạc không confirm, những cái đó sẽ khiến bạn đứt kết nối với mentor. kết quả là bạn thấy mentor cũng xoàng (vì bạn có thảo luận cùng tìm giải pháp cùng họ đâu), bạn thấy nghề chả có gì hay (vì bạn cũng có lắng nghe được kinh nghiệm của ai đâu), bạn thấy bản thân mình tự làm còn hơn (vì bạn có phát huy được sức mạnh của team work đâu).
4. Quay vòng học - trải - nghiệm liên tục, không phải chiếc nón kỳ diệu trên truyền hình đâu nhưng vòng quay ấy kỳ diệu thực sự đấy!
Dự án SEAN