LÝ THUYẾT MẬT MÃ HOLLAND
Lí thuyết mật mã Holland (Holland codes) được phát triển bởi nhà tâm lí học John Holland (1919–2008). Ông là người nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất qua nghiên cứu lí thuyết lựa chọn nghề nghiệp.
Có thể nói, lí thuyết mật mã Holland là lí thuyết thực tế nhất, có nền tảng nghiên cứu nhất và được các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong và ngoài nước Mỹ sử dụng nhiều nhất.
1. Nội dung cơ bản
Lí thuyết mật mã Holland đưa ra một số luận điểm rất có giá trị trong hướng nghiệp, trong đó có hai luận điểm cơ bản là:
• Nếu một người chọn được công việc phù hợp với tính cách của họ thì họ sẽ dễ dàng phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Nói cách khác, những người làm việc trong môi trường tương tự như tính cách của mình hầu hết sẽ thành công và hài lòng với công việc.
• Hầu như ai cũng có thể được xếp vào 1 trong 6 kiểu tính cách và có 6 môi trường hoạt động tương ứng với 6 kiểu tính cách, đó là:
– Nhóm kĩ thuật;
– Nhóm nghiên cứu;
– Nhóm nghệ thuật;
– Nhóm xã hội;
– Nhóm quản lí;
– Nhóm nghiệp vụ.
Nội dung cơ bản của 6 nhóm tính cách theo lí thuyết mật mã Holland được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:
(Nội dung Trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp Holland có thể tải tại đây)
Trong thực tế, tính cách của nhiều người không nằm trọn trong một nhóm tính cách mà thường là sự kết hợp của 2 nhóm tính cách, có khi còn nhiều hơn, ví dụ: Nghiên cứu – Kĩ thuật, Nghệ thuật – Xã hội… Do đó, khi tìm hiểu bản thân có thể phải xem xét nhiều hơn một nhóm tính cách để thực sự xác định được nhóm nào phù hợp với mình hơn cả.
Khi làm tư vấn hướng nghiệp, cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt sau đây:
+ Một người thuộc cả sáu nhóm: Có những người sau khi làm trắc nghiệm thấy mình có sở thích và khả năng rộng, trải đều cả 6 nhóm. Thông thường những người có đặc điểm này phải mất một thời gian dài mới tìm được công việc mình thực sự yêu thích. Cũng có trường hợp, họ sẽ làm một số công việc cùng một lúc.
+ Một người không thuộc về nhóm nào: Có những người sau khi làm trắc nghiệm thấy mình có sở thích và khả năng rất thấp ở tất cả các nhóm, gần như không nổi trội ở nhóm nào. Thông thường, những người có đặc điểm này cần phải có cơ hội trải nghiệm thêm ở những môi trường hoạt động khác nhau trước khi hiểu bản thân hơn. Có những trường hợp, các em HS có khả năng về mĩ thuật, âm nhạc và thủ công mĩ nghệ nhưng không được gia đình khuyến khích hoặc chưa bao giờ có cơ hội tiếp cận với những lĩnh vực này thì khó có thể biết được những sở thích và khả năng nghề nghiệp của mình.
+ Một người thuộc về hai nhóm sở thích và khả năng nghề nghiệp đối lập nhau: Khi làm trắc nghiệm xong, nếu ai đó đạt điểm cao nhất, cao nhì ở 2 nhóm liền nhau như Kĩ thuật và Nghiên cứu hoặc Xã hội và Quản lí thì được coi là hợp lí, không có vấn đề gì. Nhưng, cũng có những người sau khi làm trắc nghiệm lại thấy mình có sở thích và khả năng nghề nghiệp ở các nhóm đối lập nhau, ví dụ như Nghiệp vụ và Nghệ thuật; Xã hội và Kĩ thuật; Quản lí và Nghiên cứu. Thông thường, những người có đặc điểm này thường cảm thấy mâu thuẫn với chính bản thân vì các đặc điểm của hai nhóm đối lập rất khác nhau. Những người này sau khi hiểu được bản thân và học được cách kết hợp, dung hòa giữa hai nhóm sẽ tìm được câu trả lời cho mục tiêu nghề nghiệp của đời mình.
2. Ý nghĩa và áp dụng
Lí thuyết mật mã Holland được áp dụng rộng rãi đối với người bắt đầu tìm hiểu sở thích, khả năng nghề nghiệp của bản thân và có ý nghĩa quan trọng đối với người làm Tư vấn hướng nghiệp cũng như những người cần được Tư vấn hướng nghiệp.
Khi làm tư vấn hướng nghiệp, việc cho người cần được tư vấn hướng nghiệp làm trắc nghiệm sở thích theo lí thuyết mật mã Holland sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về bản thân, biết được bản thân thuộc nhóm hay các nhóm sở thích nào, từ đó có cơ sở để đối chiếu sở thích, khả năng của bản thân với những yêu cầu của các ngành nghề thuộc nhóm sở thích đã xác định và đưa ra định hướng nghề nghiệp hoặc quyết định chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai.
Khi sử dụng lí thuyết này, người làm tư vấn hướng nghiệp nên cố gắng đưa ra các tình huống, câu hỏi để giúp người cần được tư vấn hướng nghiệp nhận ra được những định kiến giới, phân biệt đối xử giới có ảnh hưởng tới việc nhận thức bản thân và quyết định nghề nghiệp của bản thân. Cùng với đó, người làm tư vấn hướng nghiệp cần giúp người cần được tư vấn hướng nghiệp tìm hiểu thêm các nhóm nghề khác nhau để kiểm định kết quả trắc nghiệm về nhóm nghề của mình. Không nên có thái độ cho rằng nam giới hay nữ giới thì phải thuộc nhóm tính cách nhất định nào đó mới đúng.
Trong thực tế HN ở nước ta, nếu sử dụng tốt các trắc nghiệm theo lí thuyết Mật mã Holland sẽ rất hữu dụng cho giới trẻ trong việc quyết định hướng học, chọn nghề, chọn ngành, chọn trường để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh. Đối với HS lớp 9, lí thuyết này có thể giúp các em ra quyết định tiếp tục học lên THPT và có định hướng chọn môn học tốt hơn (theo chương trình GDPT mới) hoặc quyết định học trường nghề, nơi các em vừa tiếp tục học văn hóa để lấy bằng tốt nghiệp THPT, vừa học nghề phù hợp để khi ra trường là có thể đi làm ngay được.
Ví dụ: Hùng là HS lớp 10 của một trường THPT. Em có học lực đạt ở mức trung bình khá nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên em không muốn học tiếp lên THPT. Sau khi làm trắc nghiệm sở thích theo lí thuyết mật mã Holland, Hùng thấy mình đạt điểm cao nhất ở nhóm Kĩ thuật, cao nhì ở nhóm Nghiệp vụ. Em đã tìm hiểu các nghề trong hai nhóm đó và quyết định theo học nghề Nấu ăn. Lúc đầu em cũng cảm thấy e ngại vì mọi người đều cho rằng nghề này chỉ thích hợp với phụ nữ. Nhưng khi tìm hiểu trong thực tế, em thấy có nhiều người là nam giới rất thành đạt trong nghề Đầu bếp/ Nấu ăn. Vì vậy, sau khi hoàn thành chương trình THCS, Hùng đã quyết định đăng kí tham gia học lớp dạy nghề Nấu ăn tại trường Trung cấp nghề. Trong quá trình học tập, Hùng luôn cảm thấy đam mê với việc chế biến, trình bày các món ăn và tìm hiểu về ẩm thực.Hiện nay, Hùng đang làm đầu bếp cho một nhà hàng lớn trong tỉnh và đã gặt hái được những thành công trong nghề nghiệp.
Lí thuyết mật mã Holland cũng có thể được sử dụng để giúp các em lớp 12 quyết định chọn ngành, nghề đào tạo, cơ sở đào tạo (CĐ, ĐH hay trường nghề) và thực hiện kế hoạch nghề nghiệp mà các em muốn theo đuổi sau khi tốt nghiệp THPT.
Thực tế cho thấy, nếu sử dụng tốt Lí thuyết mật mã Holland sẽ giúp HS hiểu rõ sở thích, khả năng của bản thân và bớt hoang mang khi ra quyết định nghề nghiệp cho bản thân. Nhờ đó, các em không phải cố gắng thi vào ĐH hay CĐ bằng bất kì giá nào, bất kể ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không.
Dự án SEAN